Cuốn sách do nhà xuất bản Thanh Hóa ấn hành năm 2006. Số trang: 221 trang, khổ 13x 19 cm, có bìa màu xanh, ở giữa là khung ảnh nền trắng, nổi bật trên trang bìa là hình ảnh cậu học trò ngồi bên bàn mở trang sách ngồi học dưới ngọn nến sáng lung linh.
Sách viết theo từng nhân vật theo những chặng đường phát triển lịch sử của nước ta. Bắt đầu với Khương Công Phụ từ thế kỷ VIII cho đến Phan Bội Châu thế kỷ XX.
Khi cầm trên tay cuốn "Chuyện Thi Cử Và Lập Nghiệp Của Học Trò Xưa" các bạn sẽ được làm quen với những con người thông minh trước tuổi, được sách sử ca ngợi là "thần đồng", như: Nguyễn Đăng Cảo, Nguyễn Đăng Đạo... hay những trường hợp khác do việc học hành, thi cử lận đận nên khi tuổi cao mới đỗ đạt như Đoàn Tử Quang, hoặc bị Nhà nước phong kiến cấm thi như Đào Duy Từ.
Có người, nhờ điều kiện gia đình, xã hội thuận lợi nên đã học hành suôn sẻ. Song không ít người vì đời sống khó khăn, hoàn cảnh gia đình hết sức chật vật, nên từ bé đã phải vừa lăn lộn kiếm sống, vừa theo đuổi bút nghiên, như tầm gương Nguyễn quán Nho, Nguyễn Văn Giai,.... xưa nay đã được sách vở và dư luận xã hội ca ngợi.
Con đường học hành của mỗi người tuy khác nhau, nhưng tất cả các nhân vật trong cuốn sách này đều có chung một chí hướng là quyết tâm vươn lên đỉnh cao nhất của học vấn đương thời, bằng cách đoạt được vị trí Khôi nguyên, Đình nguyên trong các kỳ thi hội,thi đình.
Điều nổi bật nhất mà cuốn sách đề cập với bạn đọc là dầu đỗ đạt cao hay thấp, người xưa đều xem trọng việc tự học, tự trau dồi cho bản thân có được cái vốn trí thức uyên bác, vững vàng những phẩm chất nhân cách cao đẹp để bước vào đời bằng con đường thực lực, thực tài.
Trong từng hoàn cảnh cụ thể của xã hội và của nhân vật, một số ra làm quan, đem học vấn của mình phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước về mọi lĩnh vực: chính trị, văn hóa, quân sự, ngoại giao...số khác mở trường dạy học, viết sách nhằm truyền thụ tri thức, kinh nghiệm xã hội cho thế hệ trẻ, để nối tiếp ông cha gánh vác giang sơn. có người học hành, thành đạt vào giai đoạn “ nước mất nhà tan”, song họ đã đem tài năng của mình góp phần vào sự ngiệp cứu dân, cứu nước. Đọc cuốn sách này, các bạn sẽ thấy toát lên một đặc điểm chung nhất về nhân cách của học trò thời xưa là: bất kỳ làm nghề gì, trong hoàn cảnh ra sao, họ vẫn quyết giữ phẩm chất cao đẹp của kẻ sĩ là tính cương trực, thẳng thắn và hành động theo lẽ phải, biết lấy lợi ích của nước, của dân làm thước đo sự cống hiến cũng như giá trị bản thân.
Người xưa luôn coi trọng” cái danh” mà nhà nho Nguyễn Công Trứ (1778-1858) đã thể hiện qua hai câu thơ:
...Đã sinh ra ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông!
“ Cái danh” ở đây không phải địa vị, quyền lực hoặc phú quý giàu sang, mà là sự cống hiến được nhiều cho Tổ quốc, được xã hội thừa nhận và tên tuổi lưu truyền muôn thuở.
Hy vọng cuốn sách " Chuyện thi cử và lập nghiệp của học trò xưa" sẽ đem lại cho bạn đọc nói chung, đặc biệt là các bạn học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường ít nhiều có nhiều điều bổ ích từ kinh nghiệm cha ông ta để lại nhằm giúp cho các bạn học hành, thi cử và lập nghiệp thành đạt trong thời kỳ hội nhập mới.
Các bạn muốn tìm đọc cuốn sách này, hãy vào thư viện trường mình nhé!