Trong chế độ phong kiến trước đây, để lãnh đạo một dân tộc hiếu học, có nền văn hóa rạng rỡ như thế, nước Việt Nam ta cũng có nhiều bậc vua, chúa rất hiếu học, giỏi chữ nghĩa văn chương. Theo thể thức cha truyền con nối ngôi vua dưới thời phong kiến, thì chẳng một ai trong số vua chúa ở nước ta cần phải học hành, thi cử, đỗ đạt gì cả. Nhưng họ vẫn được rèn luyện, được học hành ngay từ khi còn nhỏ với những thầy dạy học là các bậc đại khoa, danh Nho có tên tuổi trong triều. Vì thế, khi lên ngôi, những vua, chúa Việt Nam đều biết chữ nghĩa. Trong số đó, có người đạt trình độ kiến thức uyên bác, chẳng kém trạng nguyên, bảng nhãn đương thời.
Đến với buổi giới thiệu sách ngày hôm nay, tổ công tác Thư viện giới thiệu với các bạn cuốn sách:“Những vua chúa Việt Nam hay chữ" của Quốc Trấn, nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản năm 2007. Với 183 trang, cuốn sách giới thiệu 7 vị vua, chúa nước ta. Đó những mẩu chuyện về lòng say mê học tập, khả năng thơ phú, văn chương thể hiện trong cuộc đời và sự nghiệp của mỗi người.
Với những mẩu chuyện:“ Mối tình dựng lên một triều đại”, “Ông vua tình nghĩa thủy chung”, “Trăn trở về ngôi báu”, là những câu chuyện hay kể về sự khởi đầu của một triều đại có những chiến công lừng lẫy không chỉ trong lịch sử Việt Nam ta mà còn đối với cả lịch sử thế giới. Vậy các bạn có biết đó là triều đại lịch sử nào và vị vua đâu tiên của triều đại đó là ai ?
Một số vị vua, chúa thường đam mê với của cải, châu báu. Riêng Lê Thánh Tông lại đam mê phát hiện và bồi dưỡng những người tài. Một lần vua Lê Thánh Tông mời các văn quan vào cung để thưởng trăng, ngâm vịnh. Chẳng ngờ, đêm đó trăng bị mây che mờ. Nhà vua bèn ra đề: “ Đêm trung thu không trăng” và bảo các quan làm thơ theo chủ đề trên. Nguyễn Kim An, một người chăn ngựa bữa ấy cũng lảng vảng ở ngoài và nghe rõ đề vua ra. Trong khi các quan chưa thấy ai lên tiếng, thì Kim An đã nghĩ xong bài thơ và chàng mạnh dạn bước vào, qùy tâu dâng thơ. Thấy chuyện các quan đều cười chế nhạo, có người còn xin vua trừng phạt vì tội bất kính. Vậy vua có trừng phạt Kim An không? Và cuộc đời sau này của Kim An như thế nào ?
Cũng như Lê Thánh Tông, vua Tự Đức là một vị vua hiếu học, giỏi chữ nghĩa, thông minh có thái độ trọng nhân tài, quý “chất xám”. Có hai giai thoại kể chuyện Tự Đức xử kiện bằng thơ. Truyện thứ nhất kể về người lính gác kho tiền, truyện thứ hai kể về một con chim công trong vườn thượng uyển xổng ra ngoài thành. vậy Tự Đức đã xử kiện hai sự việc trên như thế nào?
Mời các bạn đến với thư viện nhà trường tìm đọc cuốn sách: “ Những vua chúa Việt Nam hay chữ " để hiểu rõ hơn về các vị vua chúa này.
Tổ công tác thư viện