Sốc nhiệt là gì?
Sốc nhiệt là tình trạng thay đổi nhiệt độ quá nhanh đến từ bên ngoài tới cơ thể khiến thân nhiệt tăng cao, hay gặp khi lao động, làm việc, đi quá lâu ngoài trời nắng đặc biệt là vào buổi trưa, khi làm việc trong môi trường nóng bức như hầm lò, phòng kín,…
Dấu hiệu khi bị sốc nhiệt:
Sốc nhiệt rất nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Người bị sốc nhiệt thường có các triệu chứng như da khô nóng đỏ, không có mồ hôi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn,.. nặng hơn có thể thở nhanh nông, khó thở, ngất xỉu, hôn mê và tử vong.
Các biện pháp phòng ngừa bị sốc nhiệt:
- Không để nhiệt độ điều hòa quá thấp: nên duy trì nhiệt độ phòng ở mức 26 – 28 độ C, nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ trong phòng điều hòa chỉ nên chênh lệch khoảng 10 độ C, nếu chưa đủ mát có thể dùng thêm quạt điện, quạt hơi nước thay vì hạ thấp nhiệt độ phòng.
- Không nên ngồi trong phòng điều hòa quá lâu: ở trong phòng đều hòa thường xuyên chúng ta dễ bị khô da, dễ mắc 1 số bệnh đường hô hấp. Tốt nhất chỉ nên sử dụng điều hòa khoảng 8 tiếng sau đó tắt 1 vài tiếng, mở cửa sổ cho phòng thông thoáng,… trước khi bật lại.
- Bật quạt thông gió khi sử dụng điều hòa.
- Hạn chế ra ngoài trời nắng đặc biệt vào buổi trưa từ 11h đến 15h.
- Tránh thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột: Trước khi ra, vào phòng điều hòa nên để cơ thể thích nghi dần dần. Trước khi ra khỏi phòng điều hòa nên tắt hoặc tăng nhiệt độ.
Xử trí khi bị sốc nhiệt:
- Nhanh chóng di chuyển nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, quạt mát cho nạn nhân.
- Cho uống nước mát có thể uống oresol, nước dừa,….
- Chườm lạnh bằng khăn mát khi nhiệt độ trên 38,5 độ C ở những vị trí như trán, nách, cổ, bẹn. Không dùng nước đá, không đắp đá.
Nếu nạn nhân hôn mê, không uống được, nôn sốt cao liên tục kèm theo đau bụng đau ngực khó thở thì nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.