Các bạn học sinh thân mến!
Thời tiết chuyển mùa cũng là lúc chúng ta dễ mắc các bệnh cúm mùa, đặc biệt là cúm A ( H1N1). Hiện nay, ở Hà Nội cũng đã có nhiều bệnh nhân mắc cúm, và có bệnh nhân đã tử vong do cúm A (H1N1). Trường học là một trong nhiều nơi thường xuyên tập trung đông người, bệnh dễ lây lan và dễ bùng phát thành dịch. Chính vì vậy mỗi người chúng ta cần chủ động quan tâm hơn để giữ gìn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Cúm A(H1N1) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm A (H1N1) gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng. Cúm A H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Vi-rút cúm A(H1N1) tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang...; tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Loại vi-rút này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C.
Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với vi rút từ người bệnh thông qua dịch khi hắt hơi, sổ mũi trong thời gian 1 ngày trước đến 7 ngày sau khi khởi phát bệnh.
Các dấu hiệu bệnh của cúm A(H1N1)
Bệnh có các triệu chứng giống bệnh cúm mùa như :
- Sốt (từ 38 độ C trở lên)
- Dấu hiệu viêm đường hô hấp: sổ mũi, hắt hơi, đau họng, ho khan hoặc ho có đờm
- Đau đầu hoặc đau cơ, mệt mỏi.
- Một số người có biểu hiện nôn, buồn nôn, tiêu chảy…
- Trường hợp nặng, bệnh nhân có khó thở, đau ngực,…
Bệnh có thể diễn biến nặng gây viêm phổi, suy hô hấp, suy đa phủ tạng và dẫn đế tử vong.
Để phòng chống bệnh cúm A(H1N1) lây từ người sang người, mỗi người chúng ta nên thực hiện các biện pháp sau:
1. Tăng cường vệ sinh cá nhân:
- Rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước sạch, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi.
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; tốt nhất bằng khăn giấy hoặc khăn vải để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp, sau đó huỷ hoặc giặt sạch khăn ngay.
2. Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh:
- Tránh tiếp xúc với người bị bệnh hô cấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế.
- Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp.
- Không cho trẻ em dùng chung đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm.
3. Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh:
- Hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt.
- Đảm bảo nơi ở, nơi làm việc thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng, khí trời. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng, nước Javel, cồn Ethanol 70 độ.
- Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý kết hợp tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng bảo vệ cơ thể.
Khi có biểu hiện mắc bệnh cúm, cúm A(H1N1) với các dấu hiệu như sốt, ho, đau họng, đau đầu, mệt mỏi,… cần hạn chế tiếp xúc với mọi người, đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm, và đến cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị và chăm sóc sức khỏe kịp thời.
Nếu gia đình có người bệnh (bao gồm ca nghi ngờ, ca xác định dương tính với H1N1) thì người bệnh phải cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị, tuỳ theo tình trạng bệnh, trong vòng 7 ngày kể từ khi có biểu hiện bệnh. Tránh tiếp xúc với thành viên khác trong gia đình, trong trường hợp cần thiết phải tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang. Hạn chế tiếp xúc gần.