Tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS
Các bạn học sinh thân mến!
Như các bạn đã biết, HIV/AIDS không những gây ra hậu quả to lớn về mặt kinh tế, xã hội đối với các quốc gia ở khắp các châu lục địa, mà còn để lại bao nỗi bất hạnh cho bản thân người nhiễm HIV/AIDS, gia đình và người thân của họ. Phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội, từng gia đình và mỗi cá nhân. Hiện nay vẫn chưa có một loại thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh HIV/AIDS. Biết cách tự phòng cho mình và cho cộng đồng cũng như tuyên truyền cho mọi người cùng hiểu biết về HIV/AIDS – điều này được coi như là một vắc xin để phòng ngừa HIV/AIDS hiện nay.
Vậy nên, hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống HIV – AIDS (01 /12 hàng năm) chúng ta cùng tìm hiểu về căn bệnh này nhé!
HIV là chữ viết tắt của loại vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người.
AIDS là chữ viết tắt của hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người.
AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV. Trong giai đoạn này, hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nên người bệnh dễ mắc các bệnh như: nhiễm khuẩn, ung thư...
HIV/AIDS lây truyền qua 3 đường chính: truyền từ mẹ sang con, truyền qua đường máu và qua quan hệ tình dục.
Có 04 giai đoạn nhiễm HIV:
1. Giai đoạn sơ nhiễm (còn gọi là thời kỳ cửa sổ): thời gian kéo dài từ 2 đến 6 tháng, cơ thể hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm HIV cho kết quả âm tính (vì thế trong giai đoạn này dễ lây bệnh cho người khác nếu mọi người không có biện pháp phòng tránh).
2. Giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng: Thời gian từ 5 đến 7 năm, cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường. Xét nghiệm cho kết quả dương tính.
3. Giai đoạn cận AIDS: Vẫn không có biểu hiện đặc trưng, xét nghiệm cho kết quả dương tính.
4. Giai đoạn AIDS: có các triệu chứng sau:
- Gầy sút (giảm trên 10% trọng lượng cơ thể ).
- Sốt , ỉa chảy, ho kéo dài trên 1 tháng.
- Xuất hiện nhiều bệnh như : ung thư, viêm phổi, lao, viêm da, lở loét toàn thân…
- Người bệnh nhanh chóng tử vong tùy theo điều kiện chăm sóc và điều trị.
HIV/AIDS không phải là bệnh xã hội mà người nhiễm HIV/AIDS là một người bệnh. Không phải chỉ những người “xấu”, người dính vào tệ nạn xã hội mới nhiễm HIV mà tất cả mọi người đều có thể nhiễm HIV nếu không thực hiện các hành vi an toàn.
Bớt đi một ánh mắt kỳ thị là tăng thêm một tia hi vọng cho người nhiễm HIV/AIDS!
Qua đó các bạn cần nhớ mấy thông điệp sau:
Đừng bao giờ dùng ma túy. Ma túy là con đường gần nhất dẫn đến HIV/AIDS.
Sống lành mạnh, an toàn.
Gia đình và cộng đồng cần hỗ trợ, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS.
Người nhiễm HIV/AIDS có trách nhiệm phòng, tránh gây lây nhiễm HIV/AIDS cho gia đình và cộng đồng.